HÃY VUI MỪNG VÌ CÓ NIỀM HY VỌNG
- Văn phòng nhà thờ Chính toà Sài Gòn
- 29 thg 4
- 6 phút đọc
Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. (x. Rm 12,9-13)
Chúng ta biết rõ rằng giới răn lớn nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta là giới răn yêu thương: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu tha nhân như chính mình (x. Mt 22,37-39); nghĩa là chúng ta được mời gọi yêu thương, bác ái: đó là ơn gọi cao quý nhất của chúng ta, ơn gọi tuyệt diệu của chúng ta; và nó gắn liền với niềm vui của niềm hy vọng Kitô giáo. Ai yêu thương, thì có niềm vui của niềm hy vọng, thì gặp gỡ được tình yêu vĩ đại là Chúa.
Trong đoạn thư gửi tín hữu Rôma chúng ta vừa mới nghe, tông đồ Phaolô cảnh cáo chúng ta: lòng bác ái của chúng ta có nguy cơ giả hình, tình yêu thương của chúng ta có nguy cơ giả hình. Vì thế chúng ta tự hỏi xem khi nào sự giả hình này xảy ra? Làm sao chúng ta có thể biết chắc là tình yêu của chúng ta chân thành, lòng bác ái của chúng ta chân thực? Chúng ta không giả bộ sống bác ái, hoặc tình yêu thương của chúng ta không phải để biểu diễn: nhưng là tình yêu chân thành, mạnh mẽ...
Giả hình có thể len lỏi vào khắp nơi, ngay cả trong thế giới yêu thương của chúng ta; Điều này xảy ra, khi tình yêu của chúng ta bị thúc đẩy bởi quyền lợi, do ích kỷ thúc đẩy; và có biết bao tình yêu thương vụ lợi... khi việc phục vụ bác ái, xem ra chúng ta quảng đại thi hành, được thực hiện để chúng ta nổi bật lên hoặc được thoả mãn; "Tôi giỏi biết bao!" "Không, điều này là giả hình đó!"; hay khi chúng nhắm các điều dễ nhận ra để phô trương trí thông minh hay các khả năng của chúng ta. Đằng sau tất cả những điều đó là một ý tưởng sai lầm, đánh lừa, có nghĩa là nếu chúng ta yêu thương, là vì chúng ta tốt lành; làm như thể lòng bác ái là một sáng chế của con người, một sản phẩm của con tim chúng ta. Trái lại, lòng bác ái trước hết là một ơn thánh, một món quà; khả năng yêu thương là một ơn của Thiên Chúa, và chúng ta phải xin ơn ấy. Và Ngài sẵn sàng ban ơn này cho chúng ta, nếu chúng ta xin. Lòng bác ái là một ơn: nó không hệ tại ở chỗ làm sáng tỏ điều chúng ta là, nhưng là điều Chúa ban cho chúng ta và chúng ta tự do chấp nhận; và ta không thể diễn tả trong cuộc gặp gỡ với người khác, nếu nó không nảy sinh trước tiên từ cuộc gặp gỡ với gương mặt hiền dịu và thương xót của Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô mời gọi chúng ta nhìn nhận mình là kẻ có tội, và ngay cả cách yêu thương của chúng ta cũng bị in dấu bởi tội lỗi. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta cũng là người đem tới một lời loan báo mới, một lời loan báo mới của niềm hy vọng. Chúa mở ra trước mắt chúng ta một con đường mới của sự giải thoát, một con đường của ơn cứu độ. Đó là cơ hội để chúng ta sống giới răn yêu thương cao cả, và trở thành khí cụ của lòng bác ái của Thiên Chúa. Và điều này xảy ra, khi chúng ta để cho trái tim của chúng ta được Chúa Kitô phục sinh chữa lành và canh tân. Chúa phục sinh sống trong chúng ta, sống với chúng ta và có khả năng chữa lành con tim chúng ta; Ngài làm điều đó, nếu chúng ta xin Ngài. Ngài cho phép chúng ta, dù chúng ta bé nhỏ và nghèo nàn, trải nghiệm lòng trắc ẩn của Chúa Cha và tôn vinh những điều kỳ diệu của tình yêu của Ngài. Và khi đó chúng ta hiểu rằng tất cả những gì chúng ta có thể sống và làm cho anh chị em mình không gì khác hơn là đền đáp lại những gì Thiên Chúa đã và vẫn đang tiếp tục làm cho chúng ta. Đúng hơn chính Thiên Chúa, Đấng ngự trong con tim và trong cuộc sống chúng ta, tiếp tục gần gũi và phục vụ tất cả những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên đường đời, bắt đầu từ những người rốt hết, từ những người cần được trợ giúp nhất và nơi họ Người được nhận diện ra trước tiên.
Như thế với các lời này, Tông đồ Phaolô khích lệ chúng ta và tái khơi lên trong chúng ta niềm hy vọng. thật vậy, mọi người đều có kinh nghiệm đã không sống trọn vẹn giới răn yêu thương hoặc như chúng ta nên làm. Nhưng đây cũng là một ơn, bởi vì nó làm cho chúng ta hiểu rằng tự mình chúng ta không có khả năng yêu thương thực sự: chúng ta cần Chúa liên tục canh tân ơn ấy trong con tim chúng ta, thông qua kinh nghiệm lòng thương xót vô biên của Ngài. Và khi đó chúng ta thực sự sẽ quay lại hiểu rõ giá trị các điều bé nhỏ, đơn sơ, tầm thường; một lần nữa chúng ta sẽ hiểu rõ giá trị những điều nhỏ bé này, những điều hằng ngày và chúng ta sẽ có khả năng yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu thương họ, muốn điều tốt cho họ, nghĩa là muốn cho họ được thánh thiện, là bạn hữu của Thiên Chúa; và chúng ta sẽ vui mừng vì có cơ hội sống gần gũi ai nghèo khó, khiêm tốn, như Chúa Giêsu đã từng làm với từng người trong chúng ta khi chúng ta sống xa cách Ngài, cúi mình xuống chân các anh chị em chúng ta, như Ngài, là Người Samaritano nhân hậu, đã làm với từng người trong chúng ta, với lòng trắc ẩn và sự tha thứ của Ngài.
Anh chị em thân mến, điều mà thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta đây là bí quyết - tôi xin dùng lời của ngài – đó là bí quyết để "vui mừng trong hy vọng" (Rm 12,12): vui mừng trong hy vọng. Niềm vui của hy vọng: bởi vì chúng ta biết rằng trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong hoàn cảnh bất lợi nhất và ngay cả qua các thất bại của chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ thất bại. Và khi đó với ân sủng và lòng trung thành của Ngài ngự trị và cư ngụ trong con tim của chúng ta, chúng ta hãy sống trong niềm hy vọng vui mừng chia sẻ với anh chị em của chúng ta, qua những gì ít ỏi mà chúng ta có, thì mỗi ngày chúng ta có thể nhận được một cách dồi dào từ nơi Chúa.
Buổi tiếp kiến chung,ngày 15.03.2017
Áp dụng:
Sống yêu thương, bác ái: đó là ơn gọi cao quý nhất và tuyệt diệu của chúng ta; và ơn gọi này gắn liền với niềm vui của niềm hy vọng Kitô giáo. Ai yêu thương, thì có niềm vui của niềm hy vọng, thì gặp gỡ được tình yêu vĩ đại là Chúa.
Tuy, nhiên, trong đoạn thư gửi tín hữu Rôma, tông đồ Phaolô cảnh báo chúng ta: lòng bác ái của chúng ta có nguy cơ giả hình, tình yêu thương của chúng ta có nguy cơ giả hình. Vì thế chúng ta tự hỏi xem sự giả hình này xảy ra như thế nào mỗi khi tôi làm việc bác ái? có phát xuất từ tình yêu chân thành, mạnh mẽ... hay là để biểu diễn, khoe khoang muốn người khác biết?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trong Năm Thánh này, xin Chúa giúp con lan toả hương thơm của Chúa bất cứ nơi con đến bằng lối sống yêu thương và bác ái. Xin Chúa giúp con tích cực sống lời Chúa đã dạy: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thuởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,2-4)
(Trích từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Niềm Hy Vọng Kitô Giáo; chuyển ngữ Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.)