HÃY ĐỘI MŨ CHIẾN CỦA NIỀM HY VỌNG
- Văn phòng nhà thờ Chính toà Sài Gòn
- 26 thg 2
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 21 thg 3
"Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Ai ngủ, thì ngủ ban đêm; ai say sưa, thì say sưa ban đêm. Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ. Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người. Vì thế, anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm." (1 Tx 5,4-11)
Sau khi tìm hiều niềm hy vọng Kitô giáo trong vài văn bản Kinh Thánh Cựu Ước, giờ đây chúng ta tìm hiểu tầm quan trọng ngoại thường của nhân đức này trong Tân Ước dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô và biến cố phục sinh: đó là niềm hy vọng Kitô giáo. Chúng ta là người Kitô hữu, chúng ta là những người nam người nữ của niềm hy vọng.
Đây đã là điều rõ ràng ngay trong văn bản đầu tiên của Tân Ước đó là thư thứ nhất thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica. Trong văn bản vừa nghe đọc chúng ta nhận ra tất cả sự tươi mát và vẻ đẹp của lời loan báo Kitô giáo đầu tiên.
Cộng đoàn Thêxalônica đã là một cộng đoàn trẻ, mới được thành lập ít lâu. Nhưng cho dù có các khó khăn và biết bao thử thách, nó đã đâm rễ sâu trong đức tin của tín hữu, hăng say tươi vui cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu. Khi đó tông đồ Phaolô vui mừng với mọi người, vì những người tái sinh trong lễ Phục Sinh thực sự trở thành “các con cái của ánh sáng và con cái của ban ngày” (1 Tx 5,5) – thánh nhân gọi họ như vậy – nhờ sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô.
Khi thánh Phaolô viết thư cho họ cộng đoàn Thêxalônica mới được thành lập chỉ biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô ít năm. Vì thế thánh tông đồ tìm cách làm cho họ hiểu tất cả các hiệu quả mà biến cố duy nhất và có tính quyết định này – nghĩa là sự phục sinh của Chúa – đến lịch sử và cuộc sống của từng người. Cách riêng khó khăn của cộng đoàn đã không phải là thừa nhận sự sống lại của Chúa Giêsu, mọi người đều tin điều ấy, nhưng là tin vào sự phục sinh của những người đã chết. Phải, Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng đối với những người chết thì họ hơi gặp khó khăn.
Trong nghĩa đó, bức thư này thực rất thời sự. Mỗi khi chúng ta đứng trước cái chết của mình hay của một người thân, chúng ta cảm thấy đức tin của mình bị thử thách. Tất cả các nghi ngờ, tất cả sự giòn mỏng của chúng ta nổi dậy, và chúng ta tự hỏi: “Mà có thật là có sự sống sau cái chết không? Tôi có thể trông thấy và ôm vào lòng những người tôi đã yêu mến không...?” Câu hỏi này có một bà đã hỏi tôi cách đây ít ngày trong một buổi tiếp kiến. Bà hỏi: “Con sẽ gặp các người thân của con không?” Có một sự nghi ngờ.
Cả chúng ta nữa, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần trở lại với gốc rể và nền tảng đức tin của mình, để ý thức điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nơi Chúa Kitô Giêsu, và cái chết của chúng ta có nghĩa là gì. Tất cả chúng ta đều có một chút sợ hãi vì cái không chắc chắn này, phải không? Ở đây lời thánh Phaolô đến. Tôi nhớ có một ông cụ già rất giỏi đã nói với tôi: “Con không sợ cái chết. Con hơi sợ trông thấy nó đến”. Ông sợ điều đó. Đứng trước các sợ hãi và các băn khăn của cộng đoàn, thánh Phaolô mời gọi họ đứng vững vàng như một áo giáp, nhất là trong các thử thách và những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống chúng ta, “niềm hy vọng của sự cứu thoát”. Nó là một áo giáp. Đó, niềm hy vọng Kitô giáo có nghĩa là gì. Khi nói về niềm hy vọng, chúng ta có thể bị đưa tới chỗ hiểu nó theo nghĩa thông thường của từ này, có nghĩa là quy chiếu về cái gì đẹp mà chúng ta mong ước, nhưng nó có thể được thực hiện hay không được thực hiện. Chúng ta hy vọng nó xảy ra, nhưng chúng ta hy vọng như một ước mong, phải không? Chẳng hạn ta nói: “Tôi hy vọng ngày mai trời đẹp!”; nhưng chúng ta biết rằng ngày hôm sau, trái lại, trời có thể xấu... Niềm hy vọng Kitô giáo không phải như thế.
Niềm hy vọng Kitô giáo là sự chờ đợi một cái gì đã được hoàn thành; ở đó có một cái cửa, và tôi hy vọng đi tới cửa đó! Tôi phải làm gì đây? Đi tới cái cửa đó! Tôi chắc chắn là tôi sẽ tới cửa. Niềm hy vọng Kitô giáo là như thế: chắc chắn rằng tôi đang tiến bước về cái gì là, chứ không phải là tôi muốn nó là. Đây chính là niềm hy vọng Kitô giáo. Niềm hy vọng Kitô giáo là sự chờ đợi một cái gì đã thành toàn và chắc chắn sẽ được thực hiện cho từng người trong chúng ta.
Như vậy cả sự phục sinh của chúng ta và của những người thân yêu của chúng ta đã qua đời không phải là một cái gì sẽ có thể xảy ra hay không, mà là một thực tại chắc chắn, trong nghĩa nó đã được đâm rể trong biến cố phục sinh của Chúa Kitô. Như thế hy vọng có nghĩa là học sống trong chờ đợi. Học sống trong chờ đợi và tìm được sự sống. khi một phụ nữ nhận ra mình mang thai, thì mỗi ngày bà học sống trong sự chờ đợi trông thấy cái nhìn của đứa bé bà sẽ thấy... Cả chúng ta cũng phải sống và học hiểu từ các chờ mong của con người, và sống trong sự chờ đợi nhìn Chúa, tìm thấy Chúa. Điều này không dễ dàng, nhưng ta phải học: sống trong chờ đợi. Hy vọng có nghĩa và đòi hỏi một con tim khiêm tốn, một con tim nghèo nàn. Chỉ người nghèo mới biết chờ đợi. Ai đã tràn đầy chính mình và của cải của mình, thì không biết đặt để sự tin tưởng vào bất cứ ai khác, nếu không phải là nơi chính mình mà thôi.
Thánh Phaolô còn viết thêm: “Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người” (1Tx 5,10). Các lời này luôn luôn là lý do của niềm an ủi lớn và của an bình. Như vậy, đối với cả các người thân yêu đã từ giã chúng ta, chúng ta được mời gọi cầu nguyện để họ sống trong Chúa Kitô và hiệp thông hoàn toàn với chúng ta. Có một điều đánh động con tim tôi là một kiểu nói của thánh Phaolô luôn luôn hướng tới tín hữu Thêxalônica. Nó khiến cho tôi tràn đầy sự chắc chắn của niềm hy vọng. Ngài nói: “Chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.” (1 Tx 4,17).
Một điều thật đẹp: mọi sự qua đi, nhưng sau cái chết chúng ta sẽ luôn luôn ở với Chúa. Đó là sự chắc chắn hoàn toàn của niềm hy vọng, cùng một niềm hy vọng mà rất lâu trước đó đã khiến cho ông Gióp kêu lên: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống... Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (G 19,25.27). Và như vậy chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa. Anh chị em có tin điều này không? Tôi xin hỏi anh chị em: Anh chị em có tin điều này không? Để có một chút sức mạnh tôi mời anh chị em cùng tôi lập lại ba lần: “Và như thế chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”. Tất cả cùng nhau nào: “Và như thế chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”, “Và như thế chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”.
Buổi tiếp kiến chung,ngày 01.01.2017
Suy tư : Hy vọng có nghĩa là sống trong chờ đợi. Là người lữ hành của niềm hy vọng, tôi có sống trong chờ đợi, chờ đợi người thân của tôi đã ra đi trước tôi và hy vọng chắc chắn rằng họ và tôi sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi không?
Cầu nguyện:
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
Trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !
(Tv 15,11).
(Trích từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Niềm Hy Vọng Kitô Giáo; chuyển ngữ Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.)