top of page
john-paul-ii-blog.jpg

"Cuộc lữ hành đẹp đẽ và gây xúc động nhất có thể đến với bạn là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, người duy nhất mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc sống của chúng ta”.
- Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II -

Làm sao để trở thành người Công Giáo?

Giáo hội Công giáo hân hoan vui mừng mỗi khi có một người quyết định thực hiện tiến trình trở thành người Công giáo. Thế nên, chúng tôi ở đây để đồng hành với bạn trên con đường ấy, nhằm giải đáp mọi thắc mắc của bạn khi đi theo tiếng gọi của Chúa. 

 

Trở thành người Công giáo là một trong những trải nghiệm sâu sắc và hạnh phúc nhất trong cuộc đời của một con người. Một số người, nhờ đức tin của cha mẹ, đã lãnh nhận phép rửa khi còn nhỏ và trên đường đời chúng ta khám phá ra Thiên Chúa của ông bà cha mẹ mình. Những người khác, đó có thể là trường hợp của bạn, trở thành người Công giáo khi họ là một người trẻ chín chắn trong suy nghĩ hoặc đã trưởng thành.

 

Một người được xem là đã gia nhập Giáo hội Công giáo hoàn toàn khi người đó được lãnh nhận ba Bí tích Khai tâm Kitô giáo: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể. Điều này đạt được thông qua một quá trình chuẩn bị kĩ càng và nghiêm túc. 

Thông lệ là một gia đình sẽ mang em bé đến Nhà thờ để chịu phép rửa tội. Từ thời điểm đó, đứa bé đã là người Công giáo, sau đó đứa bé bước vào việc đào tạo đức tin qua các lớp giáo lý nhằm đào sâu đức tin của mình. Tùy theo chương trình giáo lý của mỗi Giáo phận, các trẻ em sẽ lần lượt được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Bí tích Thêm Sức sau khi đã hoàn thành các lớp giáo lý nhất định qua các năm. 

 

Một người lớn hoặc trẻ-em-trong-độ-tuổi-học-giáo-lý chưa được rửa tội sẽ bước vào tiến trình Khai tâm Kitô giáo (tiến trình Dự tòng). Và bằng việc tham dự các cử hành phụng vụ, học giáo lý và đào tạo nhân bản; họ sẽ được chuẩn bị để lãnh nhận ba Bí tích Khai tâm trong một lần.

 

Đối với người lớn và trẻ em đã đến tuổi khôn ngoan, việc gia nhập Giáo hội được thực hiện theo Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn.

Các bước trở thành người Công giáo
cho người chưa được rửa tội

Bước đầu tiên là tìm nhà thờ Công giáo gần nơi ở của bạn nhất và chia sẻ mong muốn trở thành người Công giáo của bạn với Linh mục quản xứ hoặc liên hệ văn phòng giáo xứ tại đó. Ở Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, bạn có thể đến văn phòng giáo xứ để được tư vấn và tìm hiểu về quá trình học đạo hay chính xác hơn là tiến trình dự tòng nhằm gia nhập Hội Thánh. 

 

Văn phòng Giáo xứ Chính Tòa:

Lầu 1, Phòng 102 Số 1 Công Xã Paris, P. Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM

Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh - 091 545 7404

chinhtoasaigon@gmail.com

Giờ làm việc: 8:30 - 16:30 từ thứ 3 đến thứ 7

 

Sau đó, bạn sẽ trải qua bốn giai đoạn dành cho việc khai tâm Kitô giáo như sau:

 

1. Tiền dự tòng:

Thời gian này nhằm giúp cho việc mở ra và sẵn sàng đón nhận ơn đức tin, đồng thời giúp thỉnh nhân bày tỏ khuynh hướng chọn lựa sống theo Tin Mừng.

 

2. Dự tòng:

Thời gian này giúp tăng trưởng đời sống tâm linh qua bốn phương thế cơ bản đó là: giáo lý, luyện tập đời sống Kitô hữu, kinh nghiệm phụng vụ và chứng từ tông đồ-truyền giáo. Đây là bốn kinh nghiệm nối kết sống động cần thiết cho một hành trình huấn luyện Kitô giáo nghiêm túc.

 

Thời gian dự tòng kéo dài tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng về kiến ​​thức và lương tâm của người đó để tiếp tục bước tiếp theo trong việc hoán cải theo Chúa Kitô.

 

3. Thanh tẩy và soi sáng:

Trong thời gian này việc đào sâu Lời Chúa được bảo đảm thông qua việc tham dự cách đều đặn phần đầu của thánh lễ Chúa Nhật, cùng với những buổi gặp gỡ giáo lý đặc thù mà trước hết dành riêng cho việc cầu nguyện và các Bí tích Khai tâm. Việc khai tâm thường diễn ra vào Đêm Canh Thức Phục Sinh, đêm trước Chúa Nhật Phục Sinh. Lúc đó, một thánh lễ đặc biệt được cử hành, trong đó những người được chọn sẽ được rửa tội, sau đó Thêm sức và cuối cùng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Lúc này, họ trở thành tân tòng (những em bé trong đức tin).

 

4. Thần bí / Nhiệm huấn:

Đây là giai đoạn cuối cùng, khi được tái sinh vào đời sống mới, những người tân tòng phải được “cộng đoàn tín hữu, cha mẹ đỡ đầu và các vị mục tử chăm sóc và tận tình giúp đỡ” để họ đào sâu những mầu nhiệm đã cử hành, củng cố thực hành đời sống Kitô hữu và trợ giúp “một sự hòa nhập hoàn toàn trong đời sống cộng đoàn”. Cuối mùa Phục Sinh là chấm dứt thời gian nhiệm huấn.

bottom of page