1. Chu kỳ 100 năm
Trải qua dòng lịch sử Giáo hội, Năm Thánh đầu tiên được khai mở vào năm 1300 với Tông sắc Antiquorum habet fida relatio, dưới triều Đức Thánh Cha Bônifaciô VIII. Thời kỳ đầu này, Năm Thánh được quy định theo chu kỳ 100 năm một lần.
2. Chu kỳ 50 năm
Tuy nhiên, chu kỳ 100 năm, là quá dài cho đời người mong manh, ngắn ngủi, mau qua. Nếu một người được sinh ra sau khi Năm Thánh vừa kết thúc, làm sao có thể được thụ hưởng Năm Thánh một lần trong đời mình! Dưới triều đại của Đức Thánh Cha Clêmentê VI, trong bối cảnh 7 triều đại Giáo hoàng "Lưu đày Avignon", từ Rôma, nhiều phái đoàn đến Avignon để triều yết Giáo hoàng, với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng như Cola di Rienzo (một chính trị gia và nhà lãnh đạo người Ý), Petrarque (một nhà thơ trứ danh thời bấy giờ). Với phái đoàn đã đến Avignon vào cuối tháng 11 năm 1342, Petrarque đã gởi kiến nghị lên Đức Clêmentê VI bằng một "bức thư lục ngôn dài gần ba trăm câu" để xin rút ngắn thời gian Năm Thánh xuống còn 50 năm. Petrarque đưa ra lập luận dựa trên sự giới hạn về năm, tháng sống của một đời người, như Vịnh gia đã viết: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khôn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”. Theo đó, Petrarque cũng lý luận: “Vậy thì ai, giữa loài người, liệu chúng ta có thể hy vọng đạt đến giới hạn tột cùng của tuổi già không? Ai có thể tự hào đã hoàn thành chu kỳ trăm năm? Cùng lúc chúng ta sinh ra và chết đi...” Nhận thấy kiến nghị của Petrarque cách riêng, và của cả Giáo hội nói chung là điều hợp lý về sự mỏng giòn và mau qua của cuộc sống con người, và là điều cần thiết cho ơn cứu độ của nhân loại, Đức Thánh Cha Clêmentê VI đã soạn thảo và công bố Tông sắc "Unigentus Dei Filius – Con Một Thiên Chúa", theo đó, chu kỳ Nam Thánh với 100 năm được quy định là 50 năm. Quy định này trở thành hiện thực dưới triều đại của Đức Thánh Cha Clêmentê VI với Năm Thánh năm 1350. Thật sự, kiến nghị chu kỳ Năm Thánh 50 năm này còn có mục đích khẩn xin Đức Thánh Cha, rời Giáo triều bên bờ sông Rhône ở Avignon, để trở về Rôma cho dịp Năm Thánh 1350, nhưng đáng tiếc, lúc này Giáo triều vẫn ở Avignon; do vậy, đây là Năm Thánh duy nhất trong lịch sử, không có Giáo hoàng hiện diện tại Rôma.
Nguồn: Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử các năm thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma