Vào cuối Thánh lễ Truyền Dầu (thứ Năm Tuần Thánh) vừa qua, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã chính thức công bố quyết định trùng tu ngôi Nhà thờ Chính Tòa của Tổng Giáo phận. Phóng viên trang Web Tổng Giáo phận Sài Gòn (PV) đã có một số câu hỏi phỏng vấn linh mục Tổng Đại diện Ignatio Hồ Văn Xuân về kế hoạch trùng tu ngôi nhà thờ chung này của Tổng Giáo phận.
1/ PV: Kính thưa Cha, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã bắt đầu thực hiện việc kiểm định để trùng tu ngôi Nhà thờ chính toà của Tổng Giáo phận. Xin Cha vui lòng cho chúng con biết thêm về những lý do khiến phải thực hiện việc trùng tu này?
Lm Tổng Đại diện: Thực ra cách đây 10 năm, từ thời của ngài, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã có ý định trùng tu Nhà thờ chính tòa Sài Gòn rồi, nhưng do có nhiều công trình ưu tiên cần làm trước như nâng cấp và xây thêm dãy nhà mới Đại Chủng viện Thánh Giuse - vì nhu cầu đào tạo linh mục cho các giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho và Phú Cường - nên việc trùng tu ngôi nhà thờ Đức Bà Sài Gòn phải tạm dời vào một thời điểm thích hợp hơn. Và khi Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc về nhận giáo phận, sau khi đã quan sát và tham khảo ý kiến của các cha phụ trách nhà thờ Đức Bà, ngài thấy việc trùng tu không để trễ hơn được nữa. Vương cung Thánh đường Đức Bà là ngôi nhà thờ cổ kính, đã tròn 135 tuổi vào ngày 11 tháng 4 năm nay. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với sự hình thành và phát triển của thành phố này. Là con cháu của các bậc tiền nhân ở tại Tổng Giáo phận thân yêu, chúng ta có trách nhiệm phải bảo tồn, trùng tu, gìn giữ nét đẹp cổ kính của ngôi nhà thờ độc đáo này. Khi có những xuống cấp, nguy hại nghiêm trọng mà không trùng tu, thì - giả sử ngôi nhà thờ bị hư hại nhiều hơn hay có sụp đổ - sẽ rất nguy hiểm cho giáo dân, và chúng ta sẽ có tội với tiền nhân.
2/ PV: Cha có thể cho chúng con biết những đề xuất ban đầu về quy trình trùng tu, kế hoạch trùng tu và những hạng mục sẽ được trùng tu?
Lm Tổng Đại diện: Hiện tại, Tòa Tổng Giám mục đã nhờ công ty Sài Gòn kiểm định. Họ đã tiến hành kiểm định ngôi nhà thờ này. Nhưng trong đợt kiểm định đầu tiên, chưa có kiểm định tháp chuông, mái nhà thờ và nội thất. Khoảng một tuần lễ nữa, họ mới kiểm định xong những hạng mục này và sẽ cho chúng ta biết ngôi nhà thờ hư hại đến mức độ nào, những chỗ nào cần làm ngay, những phần nào sẽ làm từ từ. Đây là một kế hoạch rất dài hạn, có thể thực hiện trong nhiều năm. Nhưng ưu tiên số một là phải chống dột và lợp được mái nhà thờ Đức Bà. Khi hết dột, chúng ta mới tiến hành việc sửa chữa bên trong.
3/ PV: Thưa Cha, đã có những kết quả khảo sát kiểm định nào về ngôi Nhà thờ chính toà Sài Gòn rồi? Từ những kiểm định này, phương án và kế hoạch cụ thể sẽ như thế nào?
Lm Tổng Đại diện: Như tôi đã trình bày ở trên, công tác kiểm định đợt một tạm xong vào ngày 14-6-2015 và trong tuần tới, sau khi kiểm định xong, công ty Sài Gòn sẽ tập hợp tất cả những tư liệu, với những hình ảnh được chụp rõ nét, sẽ cho chúng ta thấy chỗ nào trong nhà thờ Đức Bà bị hư hại nghiêm trong cần phải làm ngay. Nhưng trước tiên, như tôi vừa nói lúc nãy, việc làm đầu tiên vẫn là phải chống dột; đặc biệt là mùa mưa đang tới, ngôi nhà thờ sẽ còn xuống cấp nhiều hơn nữa nếu mái nhà thờ không được chống dột.
4/ PV: Thưa Cha, khi trùng tu, nhà thờ có gì thay đổi về mặt kiến trúc không?
Lm Tổng Đại diện: Đây là một công trình trùng tu, và nguyên tắc trùng tu là không thay đổi gì hết. Ngôi nhà thờ Đức Bà sẽ được giữ nguyên hiện trạng như đã có từ 135 năm qua, vẫn giữ nét đẹp cổ kính, độc đáo của kiến trúc. Riêng về ngói trên mái nhà thờ thì, trong 135 năm qua, đã hư hại nhiều, không phải do chiến tranh mà chủ yếu là do thời tiết và thiên tai. Ngói nguyên thủy là ngói Marseille, giống như tất cả các vật liệu xây dựng khác của nhà thờ này - đều được đem sang từ bên Pháp, qua cảng Marseille. Các cha sở tiền nhiệm đã từng có thay ngói, nên bây giờ ngói Marseille trên mái nhà thờ còn rất ít - khoảng mấy chục viên. Đa số còn lại là ngói Indochinois, hầu hết được làm ở Việt Nam. Một số là ngói Phú Hữu, bây giờ cũng đã cũ kỹ rồi. Cơ quan hữu trách của thành phố có đề nghị với Tòa Giám mục làm sao phải tìm được ngói nguyên thủy Marseille để giữ được nét đẹp cổ kính của Nhà thờ. Chuyện đó, chúng tôi thấy không đơn giản, nhưng sẽ cố gắng hết sức.
5/ PV: Thời gian thực hiện dự kiến sẽ kéo dài bao lâu? Khi nào thì bắt đầu khởi công?
Lm Tổng Đại diện: Chúng tôi dự kiến sẽ tiến hành việc trùng tu ngay sau khi có đủ điều kiện, chẳng hạn như phải có giấy Nhà Nước cho phép trùng tu và cho phép sử dụng một phần lòng lề đường để dựng giàn giáo. Tôi nghĩ là các vị lãnh đạo cùng các ban ngành thành phố đều ủng hộ việc này thôi bởi vì ngôi nhà thờ của chúng ta gắn liền với sự hình thành và phát triển của thành phố. Tôi dự kiến là, nếu mọi sự thuận lợi thì sau khoảng 3 hoặc 4 tháng nữa, chúng ta có thể bắt đầu tiến hành trùng tu. Chương trình trùng tu này sẽ kéo dài trong nhiều năm, không thể vội vàng được. Phải làm từng giai đoạn một, ưu tiên số một là chống dột. Trước khi tháo ngói ra khỏi mái, phải tạo một lớp mái che mưa che nắng bên trên trước, để khi ngói được tháo ra, nhà thờ vẫn không bị dột, không ảnh hưởng đến cộng đoàn phụng vụ.
6/ PV: Thưa Cha, tổng dự toán kinh phí cho việc trùng tu Nhà thờ chính toà Sài Gòn dự kiến sẽ là bao nhiêu?
Lm Tổng Đại diện: Vào lúc này thì chưa có thể nói con số kinh phí chính xác được. Phải chờ bên kiểm định cho biết hư hao ra sao, từ đó sẽ làm việc với bên thi công; bên thi công lên phương án rồi cho biết việc sửa chữa sẽ tốn kém như thế nào. Tôi nghĩ kinh phí trùng tu nhà thờ Đức Bà này sẽ rất lớn bởi vì có những hạng mục bên Việt Nam không thể làm được mà phải nhờ các chuyên viên bên Pháp, ví dụ như kính màu, hoặc ngói lợp, nếu muốn sử dụng ngói Marseille. Chúng ta phải chọn loại ngói giống như xưa, nhưng phải là ngói mới. Nếu dùng ngói cũ thì sẽ có nhiều nguy cơ vì không biết nó còn sử dụng được bao lâu; mình lợp lên vài bữa, nó lại hư hỏng, nhà thờ lại bị dột thì phiền phức lắm!
7/ PV: Thưa Cha, Ban Trùng tu của Tổng Giáo phận thực sự sẽ gồm những ai?
Lm Tổng Đại diện: Đức Tổng đã quyết định: Trưởng ban Trùng tu là tôi (Lm Ignatio Hồ Văn Xuân). Cộng tác với tôi có cha Giuse Mai Thanh Tùng (cha phó Gia Định, quản lý của Giáo phận), Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng (cha sở nhà thờ Chợ Đũi), và ba cha của giáo xứ Nhà thờ Chính Tòa là Cha Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn, Cha Phêrô Đỗ Duy Khánh. Ba giáo dân là ông Phêrô Nguyễn Văn Trà (chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Nhà thờ Chính Tòa), Anh Micae Bùi Thành Châu và Anh Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái. Như vậy Ban Trùng tu có tất cả 9 người.
8/ PV: Thưa Cha, hiện nay đã chọn đơn vị thi công chưa?
Lm Tổng Đại diện: Chúng tôi đã quyết định chọn công ty Mỹ Tín là công ty sẽ chịu trách nhiệm về việc trùng tu bởi vì công ty này cũng có những đối tác bên Pháp. Hơn nữa, qua công trình xây dựng tòa nhà Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (72/12 Trần Quốc Toản) vừa xong, tôi thấy đây là một tập thể làm việc rất tốt và có tinh thần trách nhiệm nên chúng tôi quyết định chọn công ty Mỹ Tin thi công việc trùng tu này.
9/ PV: Thưa Cha, trong thời gian trùng tu, việc cử hành phụng vụ sẽ như thế nào? Và du khách có thể tiếp tục đến thăm Vương Cung Thánh Đường được không?
Lm Tổng Đại diện: Chắc chắn là như vậy. Chúng tôi đang nhờ người hàn giàn giáo cho riêng công trình này bởi vì tôi sợ những giàn giáo bên ngoài không đủ độ bền chắc sẽ rất nguy hiểm. Khi thực hiện việc trùng tu này, có ba điểm mà ban trùng tu phải rất để ý. Thứ nhất, trùng tu làm sao để sinh hoạt phụng vụ của nhà thờ vẫn tiếp tục như trước. Thứ hai, phải bảo đảm an toàn cho công nhân thi công. Thứ ba, bởi vì ở bên hông nhà thờ là giao lộ - lượng xe cộ rất đông - nên phải bảo đảm an toàn cho người đi đường. Do đó, chúng tôi phải làm giàn giáo thật chắc vì càng cao, giông gió càng mạnh. Giàn giáo lên cao để giữ một cái mái trùm lên nhà thờ Đức Bà, giống như một cái nhà trùm lên một cái nhà; khi tiến hành thi công thì ở dưới vẫn cử hành phụng vụ bình thường, và du khách vẫn tiếp tục tham quan, không có gì trở ngại.
PV: Con xin chân thành cám ơn cha Tổng Đại diện đã trả lời những câu hỏi của chúng con.